Từ 1-1-2012, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, túi nilon đã chịu mức thuế 40.000 đồng/kg (cao gấp 2 lần giá bán túi hiện tại). Tuy vậy, việc sử dụng túi nilon để đựng hàng vẫn không giảm.
Chưa có sản phẩm thay thế
Theo các chuyên gia y tế và môi trường, túi nilon chôn vùi dưới đất phải mất từ 400-600 năm mới có thể phân hủy hết. Túi nilon
chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mêtan và khí
dioxin cực độc.
Nếu sử dụng túi nylon đựng đồ ăn nóng (nhiệt độ từ 70-80
độ C), những chất độc hại trong túi nilon sẽ hòa lẫn vào thức ăn. Nếu
chứa thực phẩm đã được chế biến trong những túi nilon nhuộm màu, các kim
loại nặng như chì, cadimi sẽ gây hại cho bộ não, là nguyên nhân chính
gây bệnh ung thư. Dù biết rõ điều này nhưng đại đa số người tiêu dùng
vẫn sử dụng túi nilon trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị T một tiểu thương tại chợ Thành
Công A, quận Ba Đình cho biết: “Túi nilon thường được mua theo cân và
tùy thuộc vào độ dai hay độ dày của túi mà có mức giá khác nhau, giá
trung bình từ 30.000-45.000đồng/kg.
Do giá rẻ nên người bán hàng thường
phát miễn phí túi cho khách hàng, thậm chí còn cho thêm khi người mua có
yêu cầu. Từ khi áp mức thuế mới, giá bán túi nilon đã tăng lên song nếu
chia ra từng chiếc, giá thành vẫn ở mức rất thấp nên không ảnh hưởng
đến thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng trước
mắt, khó có thể loại bỏ hoàn toàn được túi nilon bởi hiện vẫn chưa có
loại túi nào thay thế với giá thành thấp hơn và ngay cả các siêu thị lớn
vẫn gói hàng cho khách bằng túi nilon thì không dễ gì các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm lại bỏ túi nilon ngay được”…
Chị Nguyễn Thu Vân ở đường Quang Trung, quận Hà Đông chia sẻ: “Việc
tìm ra phương án hạn chế sử dụng túi nilon là rất cần thiết. Nhưng để có
được phương án khả thi cần dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội.
Theo các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa thuộc Hiệp hội Nhựa
Việt Nam (VPA), việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon đã có
hiệu lực hơn một tháng nhưng do chưa có hướng dẫn rõ ràng đã khiến
nhiều đơn vị rất lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó
khăn cho sản xuất kinh doanh. Theo quy định hiện hành, túi nilon thuộc
diện chịu thuế – “là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn
HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên – Môi trường”.
Theo VPA, định nghĩa này chưa rõ ràng bởi chưa thể xác định tiêu chí
thân thiện với môi trường gồm những gì. Với cách hiểu của ngành thuế
hiện nay, hễ cứ thấy có chữ PE trong sản phẩm là áp thuế thẳng thừng,
điều này là không hợp lý. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của nghị định
về Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa được đầy đủ, cụ thể và chính xác,
dẫn đến cơ quan thuế ở từng địa phương có cách hiểu khác nhau.
Theo một
đại diện của VPA, việc áp dụng luật phải đúng đối tượng, thành phần và
tiêu chí, không thể hiểu khác nhau rồi áp dụng không đúng. Ngay cả mức
thu thuế 30.000-40.000 đồng/kg cũng tạo nhiều bức xúc cho doanh nghiệp
khi không có quy định cụ thể loại nào thì bị áp thuế 30.000 đồng/kg,
loại nào chịu 40.000 đồng/kg hay 50.000đ/kg. Hiện VPA đã có kiến nghị
đến các bộ ngành liên quan đề xuất tạm ngưng thực hiện việc đánh thuế
với các sản phẩm bao bì nhựa.
Rõ ràng khi muốn hạn chế sử dụng bất cứ một sản phẩm nào đó, điều
quan trọng nhất là các nhà quản lý phải đưa ra được một sản phẩm thay
thế tối ưu hơn. Hiện nay, một số đơn vị đã tiến hành sản xuất túi nilon
tự hủy, nhưng giá bán khá cao nên chưa thu hút được sự quan tâm của
người tiêu dùng.
Để chủ trương hạn chế hướng tới triệt tiêu túi nilon
đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ các
doanh nghiệp đầu tư phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường
để giảm giá thành, đồng thời sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với
các quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, tránh tình trạng thiếu
thống nhất trong áp dụng luật, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét