Việc công bố đầy đủ, rõ ràng các
thông tin cơ bản thể hiện chất lượng sản phẩm trên
bao bì,
nhãn mác là điều quan trọng trong
việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và năng lực cạnh tranh của thương
hiệu trên thị trường.
Các con số to nhỏ thể hiện trên
bao bì luôn nói lên giá trị của
sản phẩm và người tiêu dùng không nên bỏ qua chi tiết này khi chọn mua hàng.
Mua hàng theo thói quen thương hiệu hoặc sự bắt mắt của bao bì mà không lưu tâm
đến các thông tin trên
nhãn mác là
một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mua phải hàng giả, nhái hay hàng kém
chất lượng.
Do vậy,
nhãn mác hàng hóa là cơ sở quan trọng
để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn được sản phẩm theo đúng mong muốn. Và
họ có quyền được biết đầy đủ thông tin về bản chất của sản phẩm để có sự lựa
chọn chính xác nhất.
Đề cập đến tầm quan trọng của
việc công bố thông tin sản phẩm trên
bao bì, nhãn mác hàng hóa tại hội
thảo “Những con số biết nói” diễn ra ngày 20/8 ở Hà Nội, ông Bạch Văn Mừng -
Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: “Thực trạng hiện
nay là không ít doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh khi trình bày nhãn mác
sản phẩm đã thiếu minh bạch hoặc không trung thực trong thông tin giới thiệu
sản phẩm...
Điều này dẫn đến việc người tiêu
dùng ngộ nhận về tính năng của hàng hóa, sản phẩm và thất vọng khi không được
như mình trông đợi. Đây là hiện tượng không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến người
tiêu dùng, khiến họ thiệt hại vì mua phải hàng hóa không đúng với giá trị”.
Trong dự thảo Luật bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng dự kiến được trình Quốc hội thông qua trong năm nay có điều
khoản quy định nghĩa vụ của người sản xuất hàng hóa phải cung cấp thông tin về
sản phẩm của mình một cách công khai, minh bạch. Hiện nghị định 89/2006/NĐ-CP
đã quy định các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hàng
hóa được thể hiện cụ thể trên nhãn mác.
Đây là căn cứ giúp tiêu dùng nhận
biết, lựa chọn và sử dụng; giúp nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa
và giúp các cơ quan chức năng dễ dàng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, về phía người tiêu
dùng, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa, nội dung của chỉ dẫn trên nhãn mác.
Bởi vậy, theo ông Bạch Văn Mừng, giới truyền thông phải tích cực hơn nữa trong
việc thông tin đến người tiêu dùng, tuyên truyền và hướng dẫn cho họ về thói
quen đọc hiểu bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn lựa; giúp họ chọn sản
phẩm có chất lượng, đánh giá đúng giá trị tương xứng của sản phẩm mình mua.
Ví dụ thông tin về độ tuổi của
sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với một số ngành hàng đồ gỗ, các loại thực
phẩm cần ủ men, rượu, xì gà... vì nó thể hiện chất lượng và giá trị của sản
phẩm. Với những loại sản phẩm này, độ tuổi càng cao, giá trị sản phẩm càng lớn.
Cũng trong hội thảo "Những
con số biết nói", ông Peter Prentice - người đạt danh hiệu “Keeper &
Master of The Quaich” (danh hiệu dành cho người có cống hiến lớn cho ngành sản
xuất whisky, ngành công nghiệp nổi bật của Scotland), đã nêu một vài dẫn chứng
thú vị trong lĩnh vực của mình. Đối với các sản phẩm whisky thì thông tin bao
bì gần như là nguồn duy nhất để người tiêu dùng tự thẩm định giá trị của hàng
hóa trước khi mua hàng. Đây là một trong các dòng sản phẩm thuộc loại
"hàng càng lâu năm càng quý".
Con số về độ tuổi sản phẩm luôn
được ghi trên bao bì theo như điều lệ của Hiệp hội đại diện cho loại thức uống
nổi tiếng của Scotland
này. Đó là con số năm tối thiểu bắt buộc của các loại thức uống ủ trong thùng
gỗ sồi được đem pha với nhau. Thông thường là các con số như 12 - 18 - 25
năm... vừa để công bố về độ tuổi, vừa để thể hiện đẳng cấp và chất lượng của
sản phẩm. Riêng đối với những loại không ghi tuổi thì có thể ngầm hiểu chỉ có
tối đa là 3 năm tuổi.